Tết Hàn Thực diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch. Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh, ngày nay mọi người hay ăn bánh trôi (汤圆 - tāngyuán).
Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ truyền tụng nhiều đời.
Thời Xuân Thu, Giới Tử Thôi, một trung thần theo phò 19 năm của vua Tấn Văn Công, từng hiến kế giúp vua trong thời gian lưu vong và thậm chí cắt thịt đùi mình để dâng vua khi lương thực cạn kiệt.
Khi Tấn Văn Công giành lại vương vị, ông phong thưởng cho những người có công nhưng quên mất Giới Tử Thôi. Không oán giận, Tử Thôi cùng mẹ về ẩn cư trong núi Điền Sơn. Khi vua nhớ ra và cho người đón, Tử Thôi kiên quyết từ chối. Vua hạ lệnh đốt rừng để ép ông quay về, nhưng Tử Thôi cùng mẹ thà chịu chết cháy. Hối hận, vua lập miếu thờ và quy định ngày 3/3 âm lịch - ngày mất của Giới Tử Thôi - là Tết Hàn Thực, cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước.
Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực tại Việt Nam vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Vào ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc, 3/3 âm lịch thường được người Việt gọi với cái tên dân giã là Tết bánh trôi - bánh chay. Vào ngày này, người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Chúng ta sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - hàn thực. Ngày Tết này hiện vẫn duy trì phổ biến ở miền Bắc Việt Nam. Và đặc biệt hơn là các tỉnh xung quanh Hà Nội.
Nếu có thể, các bạn hãy thử trải nghiệm ngày Tết đặc biệt này ở cả hai quốc gia để có những chiêm nghiệm thú vị hơn nhé